Chồng không được ly hôn dù vợ mang thai với người khác
6/21/20246 phút đọc
1- Chồng không được phép ly hôn dù vợ đang có thai với người khác
Ngày 01/7/2024, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán tối cao Tòa án nhân dân tối cao ban hành về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình chính thức có hiệu lực. Trong đó, quy định về trường hợp chồng không có quyền đơn phương ly hôn vợ đã được hướng dẫn chi tiết hơn.
Cụ thể, căn cứ khoản 4, Điều 2 Nghị quyết có nội dung: “Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn, không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai”.
Mặt khác, khoản 3, điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 khẳng định: "Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".
Do đó, theo quy định của pháp luật, nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, chông sẽ không có quyền yêu cầu ly hôn, không phân biệt cợ có thai, sinh con với ai. Nói cách khác, quy định trên được hiểu là: Nếu một người phụ nữ ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng dẫn tới với có thai với người đàn ông khác thì người chồng cũng không có quyền ly hôn khi người vợ của mình đang mang thai, sinh con, nuôi con không phải của người chồng hợp pháp.
Ngoài ra, Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP quy định cụ thể về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
"a) Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi"
Với Quy định này khi nhờ mang thai hộ thì chồng của người mang thai hộ và chồng của người nhờ mang thai hộ đều không có quyền ly hôn với vợ của mình khi người phụ nữ mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này có thể gọi dễ ghi nhớ là “Một người vợ mang thai hai người chồng mất quyền ly hôn”
Tuy nhiên, trên đây là các quy định áp dụng cho người chồng, còn trong các khoảng thời gian trên đây nếu người vợ muốn ly hôn thì họ hoàn toàn có quyền ly hôn đơn phương với chồng, không phụ thuộc vào việc họ có đang mang thai, sinh con hay chăm con dưới 12 tháng tuổi hay không.
Quy định này đặt ra để nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người phụ nữ tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập trong việc áp dụng có thể kể đến đó là liệu người phụ nữ mang thai con của người đàn ông khác có bị người chồng hợp pháp đánh đập, bạo hành không? Liệu khi người chồng biết đó không phải con đẻ của mình thì sự an toàn của đứa trẻ và người vợ có được đảm bảo?
2- Quyền yêu cầu ly hôn đơn phương của người chồng
Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quy định về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
(i) Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
(ii) Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
(iii) Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Do đó, người chồng hoàn toàn có thể nộp đơn ly hôn với người vợ khi con từ đủ 12 tháng tuổi trở lên và có đủ căn cứ chứng minh được mình thuộc một trong các điều kiện quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia định 2014.
3- Hồ sơ ly hôn đơn phương
Trong trường hợp người chồng muốn ly hôn đơn phương với vợ, ngoài việc chuẩn bị Mẫu đơn ly hôn chuẩn được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, người chồng cần phải chuẩn bị những hồ sơ sau đây:
(i) Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính). Trong trường hợp không có Giấy đăng ký kết hôn bản chính, phải nộp Trích lục Kết hôn của Ủy ban nhân dân phường/xã nơi đăng ký kết hôn.
(ii) Bản sao công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu của hai vợ chồng. Trong trường hợp đơn phương ly hôn không có CMND/CCCD/Hộ chiếu của vợ/chồng, có thể nộp bản ảnh photo hoặc yêu cầu tòa án thu thập.
(iii) Bản sao công chứng Giấy khai sinh của con (nếu có con chung).
(iv) Bản chính giấy xác nhận nơi cư trú của vợ do Công an xã/phường cấp.
(v) Giấy tờ chứng minh tài sản chung, nợ chung trong trường hợp yêu cầu tòa án giải quyết.
(vi) Đơn trình bày nguyện vọng của con đối với trường hợp có con chung từ đủ 07 tuổi đến dưới 18 tuổi.