Sửa Luật Thuế GTGT: Tăng tính minh bạch, tạo thuận lợi cho NNT

4/25/20248 phút đọc

Chiều 23/4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Thuế GTGT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 23/4

Sửa ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc Luật Thuế GTGT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, đổi mới các nội dung và các điều Luật theo hướng gia tăng các quy định, Luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi NNT, tạo môi trường thuận lợi cho NNT tuân thủ pháp Luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước…

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành, nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Một trong những nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật được quan tâm là đối tượng không chịu thuế GTGT. Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp Luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp Luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của Luật và giảm chi phí tuân thủ của NNT.

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định rõ để thống nhất với pháp Luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, ví dụ kinh doanh chứng khoán; chuyển nhượng vốn; phần mềm máy tính…

Một trong những nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật được quan tâm là đối tượng không chịu thuế GTGT

Quy định đối tượng không chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” cũng được sửa đổi thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” để đảm bảo linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Thu hẹp đối tượng áp dụng thuế suất 5%

Ngoài ra, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các DN khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, ví dụ: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập...

Về đối tượng áp dụng thuế suất 5%, dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên của UBTVQH thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật để khắc phục những vướng mắc, bất cập, tháo gỡ chống chéo, tạo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp Luật và đặc biệt là thực hiện chiến lược cải cách về thuế.

Các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng nằm trong 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được Dự thảo Luật đề xuất không chịu thuế GTGT

Mức thuế hiện nay là phù hợp để hỗ trợ DN

Góp ý cho dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn mức thuế suất của Việt Nam hiện đang ở mức 5-10%, còn các nước xung quanh thuế suất đã cao hơn mức này. Trong khi đó, chúng ta chưa có lộ trình để tiếp cận dần thông lệ của quốc tế.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ tác động của các đối tượng chịu ảnh hưởng, như đối tượng được hưởng thuế GTGT 5%; đồng thời, làm rõ hơn về quy trình, thủ tục, điều kiện hoàn thuế để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

Lo ngại về các hành vi gian lận thuế, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị làm rõ hơn quy định về các hành vi bị cấm tại dự thảo Luật. Mặc dù nhiều hành vi bị cấm đã được quy định tại Luật Quản lý thuế, song Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, thuế GTGT có đặc thù, nên cần làm rõ để khắc phục hiện tượng như là gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm lừa đảo chiếm đoạt thuế và khai khống hóa đơn GTGT…

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chính phủ, Bộ Tài chính đã khởi động quá trình sửa các Luật thuế, đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách hệ thống thuế. Về cơ bản, dự thảo Luật đã tập trung khắc phục được những mâu thuẫn, thiếu thống nhất với các văn bản quy phạm pháp Luật khác. Để hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, giải trình làm rõ hơn một số vấn đề như thuế suất thuế GTGT với phân bón; thuế GTGT với thu mua nông sản, thủy hải sản...

Phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây là dự án Luật liên quan đến lợi ích của hàng triệu DN, hộ kinh doanh, do đó trong quá trình soạn thảo đã có rất nhiều ý kiến, từ phía cả DN cũng như các bộ, ngành.

Về ý kiến thuế suất của các nước hiện ở mức cao, còn Việt Nam vẫn chỉ là 5-10%, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, hiện tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, những năm gần đây thuế suất thuế GTGT đã giảm chỉ còn 8%. Mức thuế hiện nay cũng là phù hợp để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đối với đề nghị quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, làm rõ trình tự thủ tục trong dự thảo Luật, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực ra dự thảo Luật đã có các quy định này, song tới đây sẽ được báo cáo Chính phủ để quy định làm rõ hơn nữa. Trước thực tế các hành vi gian lận, vi phạm liên quan đến thuế GTGT vẫn còn nhiều, các quy định phải đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của NNT.

Ngoài ra, đối với các vấn đề cụ thể như thuế suất thuế GTGT với phân bón, các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, các DN chế xuất được áp dụng cơ chế thuế suất 0%... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ có báo cáo giải trình cụ thể để UBTVQH, Quốc hội xem xét.